Cookpad tin rằng không ít trong số các bạn bếp nhà Cookpad có chung ‘nỗi niềm’ mùa dịch - được viện trợ quá nhiều rau một lúc, mà tủ lạnh nhà thì sức chứa có hạn, hay được đi siêu thị 2 lần một tuần, vậy làm sao để rau củ luôn tươi trong suốt tuần? Hãy cùng Cookpad tham khảo bí quyết phân loại và trữ rau củ quả tươi lâu trong bài tổng hợp dưới đây nhé.
🥑 🥦 🥬 🥒 🍍
PHÂN LOẠI RAU CỦ
Tuy tủ lạnh là giải pháp khá tiện lợi để bảo quản nhưng không phải loại rau củ nào cũng nên bỏ luôn vào tủ lạnh hết nha. Các bạn có thể phân loại 3 nhóm ra củ quả sau đây để có cách bảo quản đúng đắn:
Nhóm 1 - Những loại rau, củ không nên cho vào tủ lạnh
Nhóm này bao gồm: khoai tây, khoai lang, hành tây, tỏi, khoai. Các bạn sau khi mua những loại củ này về, nên rải đều phơi ngoài một lần nắng cho thật khô (điều này tránh ẩm, mốc, và dễ mọc mầm). Sau đó, bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời là có thể giữ chúng tươi ngon khoảng 2 tuần tới 1 tháng.
Nhóm 2: Những loại rau củ quả sau khi chín mới nên bỏ vào tủ lạnh
Nhóm này bao gồm: bơ, chuối, đào, cà chua, dưa, mận, lê, đu đủ, xoài, lê.
Khi ở nhiệt độ lạnh, một vài loại rau quả tạm thời ngừng quá trình chín. Do đó, sau khi để ở nhiệt độ thường đến khi chín hoàn toàn, bạn có thể cho chúng vào tủ lạnh để bảo quản lâu hơn.
Nhóm 3: Những loại rau củ quả cần bảo quản lạnh ngay sau khi mua
Nhóm này bao gồm: măng tây, cần tây, súp lơ, cam, bắp cải, cà rốt, dưa leo, cà tím, xà lách, củ cải…
Ở đây, có một mẹo cực hay cho đậu Hà lan nha các bạn: Khi mua về chúng ta luộc với một nhúm muối. Sau đó vớt nhanh ra và cho vào thau nước đá thật lạnh trong vòng 2-3 phút rồi mới cho vào ngăn mát. Điều này sẽ giúp chúng được bảo quản đến 2 hoặc 3 ngày.
NHỮNG LƯU Ý KHI BẢO QUẢN RAU CỦ
Sau khi phân loại rau, củ , quả rồi, vậy làm thế nào để bảo quản chúng trong tủ lạnh một tuần vẫn tươi rói? Hãy cùng Cookpad khám phá những mẹo nhỏ nhưng cực kì hữu ích dưới đây nhé:
1. Loại bỏ phần hư hỏng, dập nát trước khi cho vào tủ lạnh
Ta nên lược bỏ những phần rau củ quả hư, dập nát vì chúng sẽ dễ dàng gây ảnh hưởng tới các phần tươi, nguyên vẹn hay những thực phẩm khác khi được để chung trong tủ lạnh với nhau.
3. Bảo quản riêng rau củ và trái cây
Tốt nhất bạn nên sử dụng túi/hộp đựng riêng cho từng loại, để tránh phần trái cây chín lây ảnh hưởng tới các loại rau xanh, có thể gây ra hiện tượng úa vàng, hư thối và thay đổi mùi vị. Nếu muốn, bạn có thể lót thêm một lớp khăn giấy để hút ẩm.
Tham khảo: Mẹo bảo quản rau củ tươi lâu trong tủ lạnh của chủ bếp Hoàng Ngọc
4. Không cắt nhỏ rau củ trước khi cho vào tủ lạnh
Lưu ý rằng bạn không nên cắt nhỏ rau, củ trước khi cho vào tủ lạnh vì vừa khiến thực phẩm mất đi hàm lượng dinh dưỡng quan trọng, vừa dễ dàng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc sinh trưởng. Riêng với hành ngò, bạn lại có thể bảo quản rất lâu bằng cắt nhỏ và để luôn vào ngăn đá.
Tham khảo: Bí quyết GIỮ HÀNH NGÒ TƯƠI XANH - LUÔN CÓ ĐỂ ĂN của chủ bếp Nguyễn Thuỵ Chi Anh
5. Lau dọn tủ lạnh thường xuyên
Việc lau dọn tủ lạnh có thể là vệ sinh bên trong cũng như bên ngoài tủ lạnh. Lúc này các bạn sẽ chợt nhận ra có những hộp đồ ăn dư cần được 'giải quyết' trước khi quá trễ hoặc loại bỏ những thứ tồn đọng quá lâu ở góc tủ mà bạn không để ý tới.
Việc này khiến cho tủ lạnh nhà bạn luôn được thông thoáng, sạch sẽ, tránh gây nhiễm khuẩn chéo và tránh trường hợp thức ăn mới bị nhiễm mùi của thực phẩm cũ.
Một mẹo nhỏ khiến tủ lạnh luôn khô ráo và ngăn mùi là mở nắp một hộp baking soda vào tủ lạnh và sau một khoảng một tuần, các bạn gạt đi lớp bột nở phía trên.
🔖 Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm:
- Cách trữ nấm ăn dần mùa dịch của Bảo Bình
- Cách bảo quản nấm rơm ngăn đá được lâu của Apple Kitchen
- Cách giữ măng tây lâu không bị hư héo của Lê Ly
- Cách làm tươi rau lá khi để tủ lạnh lâu bị héo của Nhi Phương
- Đổi vị món ăn không lo giãn cách
Chúc các bạn bếp của gia đình Cookpad bảo quản rau củ thành công và vui nấu bếp mỗi ngày 🥰