Rau Sam & Rau Sắn - Hai Loại Rau Giải Nhiệt Ngày Hè

Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng khiến cơ thể chúng ta mệt mỏi, sức đề kháng kém. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu về hai loại rau ít phổ biến nhưng có tác dụng giúp bạn giải nhiệt ngày hè, bổ sung vitamin cực tốt, đó chính là rau sam và rau sắn

Rau Sam Là Gì? Rau Sam Làm Món Gì Ngon?

Ở nước ta, rau sam thường mọc rất nhiều ở trong vườn nhà như "cỏ dại", chúng dễ sống, đến mức có thể mọc ở những vùng đất khô cằn không loại rau nào sống sót được.

Rau sam có công dụng kích thích tiêu hóa, thanh nhiệt, trị nóng do có tính hàn. Hơn nữa, rau sam còn có kháng sinh tự nhiên nên có khả năng sát trùng, chữa trị mẩn ngứa ngoài da...

Rau có vị hơi chua thanh dịu và hơi mặn thích hợp cho những món chế biến đơn giản như luộc, trộn salad hoặc xào Ngoài ra, rau sam có chất nhầy nên cũng được thích hợp để làm món súp hoặc thịt hầm.

Rau sam luộc - QUÂN NGUYỄN

📌 Tham khảo cách làm các món ngon từ rau sam trên Cookpad: https://go.cookpad.cc/rausam

Những điều cần lưu ý khi sử dụng rau sam

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, trong quá trình sử dụng rau, người dùng cần lưu ý tới những vấn đề sau:

  • Khi sử dụng rau sam tươi, chỉ nên sử dụng từ 50 - 100 gram/ngày.
  • Hạn chế sử dụng rau với các đối tượng sau gồm phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người bị tiêu chảy, kiết lị, người tiền sử mắc bệnh sỏi thận hoặc đang trong quá trình điều trị sỏi thận.
  • Khi chế biến, không nấu rau quá kỹ để tránh mất đi các chất dinh dưỡng.
  • Không chế biến rau chung với 3 loại thực phẩm sau là thịt ba ba, trứng vịt lộn và thịt rùa. Khi kết hợp chung, món ăn sẽ gây ra tình trạng ngộ độc với người dùng.

Rau Sắn Là Gì? Rau Sắn Làm Món Gì Ngon?

Rau sắn là bộ phận lá của cây sắn, hay còn gọi là cây sắn dây. Cây sắn dây là một loại cây bụi, có nguồn gốc từ miền Nam Châu Mỹ và cũng đã xuất hiện từ rất lâu trước kia tại Việt Nam. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của lá sắn đó chính là mặt dưới lá có màu xanh nhạt và mặt trên lại mang màu xanh thẫm hơn, cuống lá trông khá dài.

Tuy là một giống cây hầu như cho lá quanh năm nhưng không phải bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể thưởng thức rau sắn một cách chuẩn vị nhất đâu nhé! Thực tế, rau sắn ngon nhất là vào mùa hè, lúc này rau sẽ có màu xanh đậm và vị ngọt nhẹ, thanh mát rất dễ ăn.

Nhắc đến rau sắn, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những món ăn dân dã như món nộm rau sắn ở Hòa Bình hoặc rau sắn muối chua ở Phú Thọ. Ngay cả khi muối chua, rau sắn cũng cần được nấu chín để chế biến thành các món ăn ngon. Một số món ăn hấp dẫn từ rau sắn phải kể đến đó là: Rau sắn chua nấu canh cá, rau sắn nấu cùng cua đồng hoặc tôm riu, cá kho dưa sắn, rau sắn xào, hoặc đơn giản chỉ là luộc rau sắn tươi rồi chấm với muối vừng thôi cũng rất ngon và bùi rồi.

📌 Tham khảo cách làm món ngon từ rau sắn trên Cookpad: https://go.cookpad.cc/rausan

Canh dưa rau sắn móng giò - Xuân Lê

Những điều cần lưu ý khi sử dụng rau sắn

Rau sắn nếu ăn không đúng cách rất dễ bị say và ngộ độc. Lưu ý chỉ có rau sắn trắng lá xanh (sắn nếp) mới có thể ăn được, còn loại sắn lá tre, có màu hơi tím thì không nên ăn vì sắn đó độc hơn, ăn vào rất dễ bị say. Để phòng tránh ngộ độc, khi dùng rau sắn để làm thực phẩm, mọi người phải đặc biệt chú ý không ăn sống rau sắn, kể cả khi nó đã muối chua. Trước khi ăn, cần chế biến rau thật kỹ trên nhiệt độ cao.

Rau sắn từ chủ bếp Món Ăn Tây Bắc
Sắn là loại cây dễ trồng và phù hợp với nhiều loại khí hậu, được biết đến là loại cây trồng để thu hoạch củ... Nhưng từ bao giờ lịch sử và truyền thống của đồng bào của các dân tộc Tây Bắc đã biết chế biến lá của cây Sắn thành một món ăn mang nét đặc trưng của khu vực bằng sự tinh thế và hòa quyện hài hòa giữa các loại gia vị của núi rừng, món nộm rau sắn trở thành khẩu phần ăn mà không ai không biết đến khi đến Tây Bắc- Món Ăn Tây Bắc