Bảo vệ môi trường, bảo vệ chính ngôi nhà trái đất mà chúng ta sinh sống chắc hẳn là việc không của riêng ai. Có vô vàn cách để bảo vệ môi trường, nhưng liệu bạn có biết việc chúng ta nấu ăn ở nhà mỗi ngày có tác động vô cùng lớn đến môi trường không ạ? Hãy cùng Ad tìm hiểu qua bài viết này nhé ạ!

1.Nấu ăn có thể giảm thiểu rác thải nhựa từ việc gọi đồ ăn về

Rác thải nhựa dùng để chỉ chung những sản phẩm làm bằng nhựa đã qua sử dụng hoặc không được dùng đến và bị đem vứt bỏ. Ví dụ như: túi nhựa, chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa,...Khi chúng ta gọi đồ ăn về, vô tình ta đã thải ra vô số rác thải nhựa dùng một lần và chúng có thời gian phân hủy vô cùng lâu, có thể lên tới hàng trăm, hàng ngàn năm. Nhưng vì sự tiện dụng của chúng nên còn nhiều người chưa biết rằng: cứ mỗi phút trôi qua toàn cầu lại tiêu thụ đến 1 triệu chai nhựa, đóng góp cho khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra mỗi năm, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.

Chính vì thế, việc nấu ăn ở nhà là giải pháp lâu dài và thiết thực nhất để ngăn chặn nguy cơ sống trên "đảo rác" do chính chúng ta tạo ra. Vừa được thưởng thức những món ăn ngon, với thực phẩm tươi sạch, lại vừa đảm bảo vệ sinh. Vì thế, chúng ta hãy cùng vào bếp để không phải đánh đổi sự tiện dụng nhất thời để mất đi sự xanh sạch đẹp của ngôi nhà trái đất nhé ạ!

2. Thưởng thức thực phẩm theo mùa là cách bảo vệ môi trường "ngọt ngào" nhất

Vậy nấu ăn hay lựa chọn thực phẩm như thế nào để bảo vệ môi trường? Một trong những cách đơn giản và "ngọt ngào" nhất đó chính là chọn mua thực phẩm theo mùa. Từng mùa sẽ có những điều kiện thời tiết khác nhau để trồng những thực phẩm và hoa quả phù hợp với mùa đó. Ví dụ mùa hè chúng ta có thể thoả thích thưởng thức những thức quả như mận, vải, nhãn,... trong khi về gần cuối năm ta lại có những quả ngon như hồng, lê...

Cũng chính vì thế mà việc trồng quả vải vào mùa đông hay quả lê hồng vào mùa hè sẽ vô cùng khó khăn. Không những thời tiết không thích hợp khiến cho những thức quả này không để đạt đến độ ngon nhất, mà những loại thuốc tăng trưởng hay thuốc trừ sâu có thể bị lạm dụng trong quá trồng trọt. Điều này vô cùng có hại cho sức khoẻ của người sử dụng. Không những thế, những loại thuốc độc hại sau khi đi vào cây có thể thấm vào đất và sau đó thải ra môi trường.

Vì thế chúng ta hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái. Lựa chọn và chế biến những thức quả theo mùa để có thể thưởng thức trọn vẹn nhất hương vị của chúng và bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình. Chỉ cần như vậy thôi, chúng ta đã bảo vệ môi trưởng rồi đấy ạ.

3. Ưu ái những thực phẩm địa phương có thể giúp giảm CO2

Nước ta được thiên nhiên ưu ái cho nguồn thực phẩm và hoa quả vô cùng phong phú. Vì thế tại sao chúng ta không lựa chọn những loại thực phẩm sản xuất trong nước hay nơi mình sinh sống thay cho những loại thực phẩm được nhập về phải không cả nhà. Chẳng hạn chúng ta có thể chọn mua táo nước mình thay vì táo Nhật hay táo Mỹ đấy ạ!

Trái cây và thực phẩm khi được nhập về không những đã bị mất đi vài phần dinh dưỡng và tươi mới, mà còn góp phần làm tăng lượng CO2 trong quá trình vận chuyển. Không những thế giá tiền lại cao trong khi ẩn chứa những nguy hiểm tiềm tàng như thuốc bảo quản hay phẩm màu độc hại vì phải vận chuyển một hành trình dài. Vì thế, tiêu thụ những sản phẩm chất lượng của nước nhà vừa phù hợp với túi tiền, thơm ngon, góp phần thúc đẩy kinh tế ủng hộ người nông và còn phần nào bảo vệ được nguồn không khí trong lành phải không ạ!

4. Ăn nhiều rau xanh và giảm lượng thịt không những giúp dáng đẹp da xinh mà còn giúp giảm biến đổi khí hậu

Chỉ qua việc lựa chọn thực phẩm và nấu ăn tại nhà, ta đã bảo vệ môi trường theo rất nhiều cách rồi đấy ạ. Không chỉ dừng ở đó, việc lựa chọn một chế độ ăn "xanh" hơn - tiêu thụ nhiều rau hơn và giảm lượng thịt lại cũng là một cách khác để tạo ảnh hưởng tích cực lên môi trường sống của ta.

Cả nhà có biết rằng, hoạt động chăn nuôi và sản xuất thịt là một trong những tác nhân chính của biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên đất và nước khi hằng năm phát thải 14.5% lượng khí nhà kính trên toàn thế giới, xấp xỉ tổng lượng khí thải từ tất cả các phương tiện giao thông (FAO, 2013). Không những thế, nông nghiệp chăn nuôi chiếm đến 80% nguyên nhân của nạn phá rừng trên toàn cầu. Điều này đồng nghĩa, việc sản xuất ra thịt chiếm nhiều tài nguyên và năng lượng đồng thời cũng tạo ra nhiều chất thải hơn gấp nhiều lần so với việc sản xuất trồng trọt rau. Cũng chính vì thế, nó gây ra áp lực to lớn lên môi trường của chúng ta.

Vì vậy, việc tăng cường lượng rau xanh, hạt, củ và giảm lượng thịt trong mỗi bữa ăn hoặc kết hợp xen kẽ giữa những bữa ăn mặn và chay trong tuần có thể giúp ta tạo ra ảnh hưởng tích hợp với môi trường. Mà chúng ta chỉ có thể xây dựng một chế độ ăn lành mạnh hơn khi nấu ăn tại nhà thôi phải không ạ!

5. Nấu vừa ăn đủ chính, tránh lãng phí thức ăn là phương pháp bảo vệ môi trường thiết thực nhất!

Nếu như cả nhà đã đọc đến đây mà vẫn thấy việc bảo vệ môi trường sao còn khó và xa vời quá thì chỉ cần làm ngay điều này thôi ạ. Đó chính là chúng ta chỉ nên mua thực phẩm cần thiết cho ngày hoặc tuần, đặc biệt là rau củ để tránh lãng phí. Đồng thời, ta chỉ nên nấu một lượng vừa đủ ăn cho những bữa trong ngày thôi ạ. Tránh tình trạng mua quá nhiều ăn không hết, dẫn đến việc lãng phí thức ăn.

Thực phẩm khi mua về và để tủ lạnh quá lâu cũng sẽ không còn tươi và mất chất dinh dưỡng. Việc mua quá nhiều thực phẩm khi đi chợ dễ dẫn đến tình trạng ăn không hết và phải vứt đi vì chúng đã hỏng. Cuối cùng thì mua rẻ thành đắt phải không ạ! Bên cạnh đó, đồ ăn đã nấu xong nên dùng ngay hoặc sử dụng hết trong bữa tiếp theo, tránh trữ lâu trong tủ lạnh vì có thể sản sinh ra nhiều chất không tốt cho cơ thể.

Việc chúng ta mua một lượng vừa đủ ăn cũng giúp cho các nhà sản xuất biết rõ hơn về việc nên sản xuất bao nhiêu để đủ cho người tiêu dùng. Từ đó, nguyên liệu không bị lãng phí, lượng chất thải cũng có thể giảm đi đáng kể đấy ạ!

Tuy vậy thật khó để có thể mua chính xác lượng thực ẩm cần thiết phải không ạ? Lỡ mình đã mua quá tay hay mua thiếu đồ ăn thì sao ạ? Ad xin chỉ mẹo cả nhà một số cách khi đi chợ và nấu nướng để giải quyết tình trạng này nhé ạ

  • Cả nhà đừng nên đi chợ lúc đói bụng nhé ạ, vì như vậy sẽ dễ khiến chúng ta mua nhiều hơn lượng đồ ăn cần thiết
  • Hạn chế mua trái cây đã gọt vỏ sẵn nếu như chúng ta không có ý định ăn trong ngày vì trái cây đã được gọt vỏ thường nhanh bị úng hơn là trái cây còn nguyên vỏ
  • Nếu ta lỡ nấu nhiều đồ ăn quá thì có thể dùng để kết hợp trong các món ăn khác cho bữa ăn sau. Ví dụ món mặn buổi tối có thể dùng với cơm nguội thành món cơm chiên cho sáng hôm sau.
  • Nếu còn thừa quá nhiều cà chua chín ta có thể xay ra làm sốt cà chua. Bánh mì cũ có thể cắt ra từng miếng phơi khô làm món bánh mì hấp hoặc bánh mì chiên ăn rất ngon. Những mẩu bánh mì vụn hoặc sandwich khô thì đem nghiền vụn làm thành bột chiên xù. Hay chuối chín rục ăn không ngon bằng đem xay sinh tố hoặc làm bánh chuối.
  • Cả nhà đừng vội bỏ đi những phần thừa của nguyên liệu ví dụ như bỏ cam hoặc vỏ bưởi vì chúng ta có thể dùng cho những món khác như mứt vỏ cam hay chè bưởi...Nếu lỡ mua thiếu một chút thì việc tận dụng tất cả các phần của nguyên liệu lại cứu cánh chúng ta phải không ạ. Còn nếu nhà mình không muốn chế biến thành đồ ăn thì có thể dùng những phần thừa của nguyên liệu vào những việc khác. Ví dụ vỏ táo ngoài việc có thể dùng để pha trà sẽ có hương vị rất đặc biệt, thì mình có thể dùng để làm sạch dụng cụ nấu bếp bằng nhôm rất hiệu quả.

Qua bài viết này, hy vọng cả nhà có thể nhận ra được tầm ảnh hưởng tích cực của việc nấu ăn ở nhà đến môi trường của chúng ta. Việc ta quyết định nấu ăn ở nhà thay vì ăn ngoài hay gọi đồ ăn, cách ta chọn thực phẩm, lượng thực phẩm ta mua và chế độ ăn ta chọn: tất cả đều là những hành động thiết thực và hiệu quả nhất để bảo vệ ngôi nhà trái đất của gia đình mình. Lời cuối, chúc cả nhà tìm thấy thêm niềm vui và ý nghĩa của việc vào bếp mỗi ngày và cảm ơn cả nhà đã tin tưởng và để Cookpad đồng hành cùng trên chặn đường này! Tải ngay ứng dụng Cookpad tại đây!