Mâm Cỗ Tết 3 Miền Có Gì? Những Món Ngon Không Thể Thiếu
Trái ngược với không khí lễ hội hào nhoáng bên ngoài, thì trong nhà, hương vị Tết đang dần len lỏi một cách chậm rãi và thân quen qua từng món ăn chào Tết trên mâm cơm gia đình đầm ấm.
Không khí Tết đang rộn ràng lao xao từ đầu ngõ đến tận trong nhà. Ngoài đường, không khí lễ hội đang lung linh khắp nơi nhờ sự xuất hiện của các cành mai, cành đào, tiểu cảnh nấu bánh chưng, bánh tét, và những phong bao lì xì đỏ chói bên cạnh những dây đồng tiền vàng sáng lấp lánh. Trái ngược với không khí lễ hội hào nhoáng bên ngoài, thì trong nhà, hương vị Tết đang dần len lỏi một cách chậm rãi và thân quen qua từng món ngon trên mâm cỗ Tết gia đình đầm ấm.
Không biết Tết đối với mọi người thế nào, chứ riêng đối với Ad, Tết được gắn liền với những ký ức tuyệt đẹp đến từ hương vị.
1 - Mâm cỗ Tết miền Bắc
Có lẽ món ăn gợi cho Ad hương vị Tết sâu đậm nhất chính là vị mằn mặn của món hành muối. Từ mấy tuần trước, Ad đã được thưởng thức món hành muối ngon tuyệt đỉnh của ba. Đây cũng là một món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Bắc.
Hành muối hay còn gọi là dưa hành có vị giòn giòn, chua chua, ngọt ngọt, không hăng cay cũng không quá mặn mà chỉ vừa miệng để hoà quyện cùng với vị nếp dẻo quyện đậu xanh và ít thịt mỡ của bánh chưng.
Nói đến bánh chưng thì không thể không kể đến cái không khí ấm áp và vui nhộn khi cả nhà rộn ràng chuẩn bị gạo, đậu, thịt, lá, dây nẹp, và bếp lửa than hồng để gói và nấu bánh chưng mỗi năm ở nhà Ad. Những ký ức quanh quần cùng nhau trong gian bếp hay sân nhà để chuẩn bị đón Tết là một trong những ký ức đẹp nhất đong đầy tuổi thơ Ad.
Mà đã có dưa hành, bánh chưng, thì không thể thiếu giò thủ. Đây chính là món giò làm từ tai mũi heo xào với mộc nhĩ mà các gia đình miền Bắc thường chuẩn bị gần như cùng lúc với món thịt đông béo ngậy và mát lạnh. Thịt đông cũng là một món làm từ thịt heo hầm nhừ, thường được ăn kèm với món dưa chua giòn giã, nhai nghe rất vui tai, như tiếng pháo nổ tí tách trong miệng ấy.
Bên cạnh hành muối, bánh chưng, giò thủ, thịt đông, dưa chua, thì hai món thân quen nữa trong mâm cỗ Tết miền Bắc là xôi gấc và gà luộc, thường được dùng chung với nhau rất tuyệt.
Các bạn có thể thử làm món gà luộc nguyên con với muối, gừng, sả, lá chanh mà không cần nước này của bạn bếp Hồ Nhã để làm mới món gà luộc cho mâm cỗ Tết nhé!
Còn bí quyết làm xôi gấc ngon? Có bếp đó là cho thật nhiều gấc, có bếp là thêm cốt dừa, bếp khác lại là mỡ gà hay đậu xanh.
Và sau cùng, để một mâm cỗ Tết miền Bắc trọn đầy đủ vị, món canh bóng thả đậm đà vị nấm đông cô và giòn xốp của da heo sẽ là một món không thể thiếu trong những bữa tiệc ngày Xuân.
2 - Mâm cỗ Tết miền Trung
Trong một lần nói chuyện với bạn bè miền Trung, Ad đã rất bất ngờ khi biết món bánh bột lọc là một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết miền Trung đó.
Bên cạnh món bánh bột lọc dai dai, thơm thơm hương lá chuối và tôm tươi, thì mâm cỗ Tết miền Trung còn có một món khác nữa làm từ tôm đó là món tôm chua. Món này thường được dùng kèm thịt heo luộc, củ kiệu, và những khoanh bánh tét thơm vị nếp, béo vị mỡ heo trong nữa. Nghĩ tới thôi là đã thấy hương vị của Tết xộc lên đến mũi và toả đầy vị giác rồi!
Có lẽ hương vị Tết nổi bật nhất mỗi lần nghĩ về miền Trung đó chính là các món lên men chua vì ngoài tôm chua thì mâm cỗ Tết nơi đây cũng không thể thiếu món nem chua và tré, với vị giòn của bì và thơm nức mùi ớt tỏi tươi cay nồng khi nem và tré đã bắt đầu lên vị chua.
Và sau cùng, sẽ thật là thiếu sót nếu không kể đến món thịt ngâm mắm ngon thần thánh của miền Trung mỗi dịp Tết về.
3 - Mâm Cỗ Tết miền Nam
Theo ký ức của Ad, mâm cỗ Tết miền Bắc thì đậm đà vị mặn, mâm cỗ Tết miền Trung thì trầm bổng với vị chua cay, còn mâm cỗ Tết miền Nam thì lại thật dịu dàng với vị ngọt chủ đạo.
Ad nhớ nhất là nồi thịt kho rệu ngon ngọt nhà người bạn mà Ad được thử trong một dịp Tết về. Chưa bao giờ Ad ăn thịt kho có vị ngọt như thế mà lại ngon mê ly đến thế.
Cũng chính vì yêu thích vị ngọt mà bánh tét của miền Nam cũng sẽ khác vị bánh tét của miền Trung một chút vì có thêm đường và nước cốt dừa để tăng vị ngọt và béo của nếp. Và đặc trưng hơn cả chính là món bánh tét chuối ngon say đắm lòng người, rất phù hợp cho những bạn thích ăn chay.
Ngay cả đến các món ngâm chua như củ kiệu hay dưa món của mâm cỗ Tết miền Nam cũng mang trong mình vị ngọt đậm đà không lẫn với vùng miền nào khác được.
Để cân bằng lại vị ngọt, mâm cỗ Tết miền Nam sẽ có vị đắng thanh mát của bát canh khổ qua và vị chua cay bùi của món gỏi gà xé phay.
Vậy món đặc trưng nhất trong mâm cỗ Tết miền Nam là gì? Trong ký ức xa xưa của Ad, đó chính là lạp xưởng. Vì cứ mỗi lần Xuân về, là lại thấy các quầy bán đồ Tết đỏ chói những gói lạp xưởng khô và tươi. Đó cũng là thời điểm hiếm hoi trong năm Ad được thưởng thức món lạp xưởng thơm phức mẹ mua về.
Những mâm cỗ Tết 3 miền còn mang nhiều hương vị của nhiều món ngon đặc sắc khác, tuỳ theo từng nơi cụ thể. Nhưng chắc chắn có một hương vị Tết mà sẽ không ai quên được, cho dù đi bất cứ nơi đâu, đó chính là hương vị Tết đã được đong đầy trong ký ức của mỗi chúng ta...