Với thử thách đầu tiên của tuần 1 Tạp Dề Vàng, Cookpad chọn đề xuất cho bạn 5 nguyên liệu rau vừa quen vừa lạ, vừa giàu dinh dưỡng vừa giòn ngon khó cưỡng, trong đó có 1 loại rau hiện đang rất "hot" với lượng tìm kiếm tăng vọt. 🔎🔝📈
➡️ Tham gia thử thách Tạp Dề Vàng 👉 tại đây ⬅️
5 nguyên liệu trong thử thách tuần này đều là những loại rau rất thích hợp để làm các món gỏi nộm chua ngọt kích thích khẩu vị cho mùa hè nóng bức. Đặc biệt các loại rau này ngoài làm gỏi thì cũng rất linh hoạt, thích hợp với nhiều cách chế biến khác nhau như luộc, xào, canh hay nhúng lẩu. Hãy cùng khám phá ngay nhé!
Rau tiến vua
Rau tiến vua hay còn gọi là rau cần biển, rau công sôi... có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường mọc ở các vùng ven biển. Rau tiến vua có thân lá đôi, thường được mua ở dạng phơi khô hoặc ngâm sẵn trong nước, dùng tươi hay muối chua đều ngon.
Với cái tên mỹ miều "tiến vua" hẳn bạn có thể hình dung độ "cực phẩm" của loại rau này, cộng thêm cách chế biến lạ nên rau tiến vua trở nên rất "hot" trên mạng xã hội trong thời gian gần đây, với lượng tìm kiếm tăng vọt.
Rau có kết cấu giòn sần sật ăn rất cuốn, có thể nói là loại rau sinh ra để trộn gỏi, thường xuất hiện phổ biến trên các bàn tiệc. Không chỉ vậy, rau tiến vua còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe vì giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ nhưng lại có lượng calo thấp.
Rau tiến vua khô khi mua về bạn phải ngâm trong nước lạnh ít nhất 3 giờ đồng hồ để rau có thể nở lớn. Sau khi ngâm có thể ăn ngay kèm với các món kho hoặc có thể muối chua, làm gỏi, xào, nấu canh hay nhúng lẩu đều rất ngon.
Củ hủ dừa
Củ hủ dừa hay còn gọi là đọt dừa là phần lõi non nằm trên ngọn của thân cây dừa. Để lấy củ hủ dừa, người ta thường chọn những cây dừa già, đốn hết lớp lá, hoa dừa và quả dừa để chặt lấy được phần đọt dừa. Do đó có thể nói nôm na là muốn ăn củ hủ dừa phải đốn hạ cả một cây dừa.
Củ hủ dừa là lõi trắng trên trong sau khi gọt hết lớp mo xơ bên ngoài của phần đọt dừa, có độ giòn và vị ngọt nhẹ. Khi chế biến sẽ được cắt lát mỏng hoặc cắt khúc rồi ngâm vào nước đá có pha muối hoặc nước cốt chanh để củ hủ dừa giữ được độ giòn và không bị thâm.
Củ hủ dừa thái lát mỏng thường được dùng cho các món gỏi nộm, xào hoặc làm nhân bánh xèo cực kỳ nổi tiếng ở miền Tây. Củ hủ dừa cắt khúc thì có thể đem kho tiêu rất phổ biến cho các món chay.
Rong sụn
"Rong sụn là loại rong biển màu trắng, thường có ở các vùng biển miền Nam Trung Bộ như Nha Trang, Bình Thuận, Phan Thiết. Rong sụn nhìn như những cây san hô mềm vậy đó. Gỏi rong sụn thường trộn với tôm thịt..." theo chủ bếp Hoàng Ngọc
Quả thật như vậy, rong sụn hay còn gọi là rong chân vịt là một loại tảo có nhiều ở các vùng biển Nam Trung Bộ từ Phú Yên đến Bình Thuận, đặc biệt là Nha Trang với vùng biển nước sạch và cát trắng cho loại rong sụn giòn ngon hơn hẳn.
Rong sụn có nhiều loại, ví dụ như rong sụn tươi, rong sụn gai (rong tươi phơi 4 nắng), rong sụn sấy khô...
Rong sụn có độ giòn, hơi dai, vị lạt và hơi có mùi tanh. Tuy nhiên, nếu biết cách kết hợp với những loại nguyên liệu khác để khử mùi thì bạn sẽ chế biến được rất nhiều món ngon. Rong sụn thường được đem nấu chè, thạch rau câu, xào, gỏi (nộm), canh…
Không chỉ có hương vị thơm ngon, rong sụn còn có nhiều giá trị dinh dưỡng, đặc biệt tốt cho trẻ em, người già, người bệnh, phụ nữ...
Với hàm lượng chất xơ cao, rong sụn rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp giảm táo bón. Chưa kể rong sụn còn chứa nhiều nước giúp thanh lọc cơ thể, giải khát, giải nhiệt. Ngoài ra rong sụn còn giúp chống viêm, ngừa bướu cổ, giảm mụn, làm mờ nếp nhăn, chống ung thư...
Hoa chuối
Hoa chuối hay còn gọi là bắp chuối là nguyên liệu rất quen thuộc trong ẩm thực Việt. Hoa chuối có thể ăn sống, trộn gỏi nộm, nấu canh, là loại rau ăn kèm không thể thiếu trong các món bún như bún bò, bún riêu, bún mắm... hay lẩu thái, lẩu chua, lẩu mắm... Nhưng bạn có biết hoa chuối còn có thể đem chiên giòn hay kho là có món mới rất ngon và lạ miệng.
Cũng giống như các loại rau ở trên, hoa chuối ít calo, giàu chất xơ giúp no lâu, ngăn ngừa táo bón, giảm lượng cholesterol và lượng đường trong máu. Ngoài ra hoa chuối còn giàu các chất chống oxy hóa, khoáng chất và một lượng nhỏ protein.
Trong dân gian, hoa chuối còn được biết tới là thực phẩm giúp lợi sữa, nên món canh hoa chuối rất thường xuất hiện trong mâm cơm của các mẹ sau sinh.
Rau muống
Rau muống là nguyên liệu đã quá quen thuộc trên mâm cơm của các gia đình Việt. Rau muống hầu như thích hợp với mọi cách chế biến, bất kể là ăn sống, xào, luộc hay nấu canh, nhúng lẩu, trộn gỏi... rau muống cũng cân hết, là loại rau hiếm khi bị chối từ trên mâm cơm hay bàn tiệc.
Rau muống nổi tiếng giàu chất sắt, thêm các vitamin A, B, C, canxi, phospho... khiến rau muống xứng danh loại rau ngon bổ rẻ. Ăn rau muống một cách hợp lý sẽ có nhiều công dụng như: Thanh nhiệt, giải độc, chống các bệnh tim mạch, phòng tiểu đường...
Đưa rau muống vào "đề bài" đầu tiên, Cookpad mong muốn đây vừa là một khởi đầu dễ chịu cho các bạn mới vào bếp, nhưng cũng là thử thách sáng tạo đối với các chủ bếp giàu kinh nghiệm. Đây sẽ là cơ hội để bạn trổ tài biến tấu các món mới từ nguyên liệu quen thuộc để đổi vị cho bữa cơm nhà mình.
Nào còn chần chừ gì mà không chuẩn bị xuất chiêu đi nào các bạn chủ bếp tài năng thân mến ơi!!! Lên sóng ngay món ngon của bạn kèm hashtag #TapDeVang23 để hoàn thành thử thách đầu tiên "dễ như ăn cháo" nhé! 💪🏻
👉 Tham gia ngay tại đây: https://cookpad.com/vn/challenges/9922