Nói tới con sứa thì ắt hẳn ai cũng biết nhưng con nuốc thì có lẽ chỉ người dân Huế, Quảng Trị và Quảng Bình là rành. Nhiều người còn lầm tưởng cho rằng sứa và nuốc là một, nhưng thực chất chúng là hai sinh vật hoàn toàn khác nhau về kích thước, nơi sinh sống. Trong bài viết dưới đây hãy cùng Cookpad khám phá sự khác biệt giữa con nuốc và con sứa cùng những món ngon được chế biến từ hai loại này nhé!

Con Sứa

Con sứa và con nuốc đều là những sinh vật biển nhuyễn thể, không xương nhưng khác nhau về kích thước và vùng sinh sống.

Con sứa sống ở vùng nước mặn của biển, thường có khắp các vùng biển trên cả nước, và kích thước lớn hơn con nuốc nhiều. Chế biến sứa cũng sẽ phải cần kì hơn chút vì nếu không sẽ gây ngứa.

🔗 Cách chế biến các món ngon từ con sứa 👈

Để đảm bảo an toàn khi ăn sứa, trước hết bạn cần chọn dược đúng loại sứa ăn được. Lưu ý rẳng, bạn chỉ dùng những loại sứa được bày bán tại chợ hoặc siêu thị, không nên tự ý bắt và chế biến sứa ngoài tự nhiên để tránh ăn phải sứa độc.

Sứa có mùa sinh sản bắt đầu từ tháng 1 tới tháng 4 âm lịch hàng năm, sinh sống gần bờ nên dễ khai thác. Vì độ phổ biến cũng như giá thành phải chăng, sứa biển được góp mặt trong rất nhiều món ngon có thể kể đến như: gỏi sứa, bún sứa, salad sứa, nộm sứa, ....

Gỏi Sứa Dưa Leo từ chủ bếp Bòn Bon
Nhà mình hay ăn sứa vì nó mát miệng, giòn giòn, ít calo. Nước mắm trộn gỏi mình pha sẵn để tủ lạnh dùng được cả tháng. - Bòn Bon
Bún Sứa Chả cá từ chủ bếp Bếp Bà Phương filler 
Sứa đỏ là món ăn cuối xuân chớm hạ của người Hải Phòng. Sứa đỏ là con sứa biển ngâm với cây chang hoặc sú vẹt để sứa bớt độc, rút bớt nước, chuyển màu đỏ và vị hơi chua và chát nhẹ. Sứa ngon nhất là ăn chân, chân sứa giòn, khô, không mọng nước như thân sứa. Linh hồn của món sứa là đồ chấm và rau ghém. Đồ chấm cũng chia 2 trường phái: một là ăn sứa với mắm tôm loảng - đậm đà và nguyên vị sứa! Mình thích ăn mắm tôm, ăn xong hôn môi lão xã thì nụ hôn mặn mòi, sâu đậm ấy lão sẽ nhớ đến mùa sứa sau! Hai là ăn sứa với cốm/bỗng rượu nấu. Vị chua, ngọt, thơm của bỗng rượu nấu đẩy xa vị sứa, chỉ còn cảm giác giòn sụn và thơm tho!
Vì sứa là món lạnh nên rau ghém phải có kinh giới, mơ lông, lá sung, lá sắn, tía tô. Kẹp rau ghém với sứa, chấm mắm tôm hay dấm bỗng nhai trong miệng, miếng sứa giòn sồn sột, cùng với các gia vị quyện vào nhau, ta nói... mà không biết nói gì luôn vì các thứ của sứa thấm lên não lú luôn rồi!😂
- Công thức Mùa sứa đỏ Hải Phòng của chủ bếp Pham Huyen
Mùa sứa đỏ Hải Phòng - Pham Huyen

Con Nuốc

Con nuốc (*) cùng họ với sứa, nhưng sinh sống ở vùng đầm phá nước lợ, và có kích thước nhỏ hơn sứa nhiều. Ở dưới nước, chúng trong suốt. Vớt ra khỏi nước, chúng đổi sang màu trắng sữa, phớt xanh da trời hay hồng nhạt. Nuốc chỉ có theo mùa, khi mùa hè nắng nóng bắt đầu và kéo dài trong khoảng 3 tháng.

Con nuốc được đánh giá là ăn ngon ngọt, và lành hơn con sứa.

🔗 Cách chế biến các món ngon từ con nuốc 👈

Con nuốc. Ảnh: tuoitre.vn

Nuốc mua về phải được rửa thật sạch vì có nhiều cát bám quanh con nuốc. Nuốc rửa xong thì ngâm trong nước lạnh với lá ổi ít nhất một giờ để nuốc săn và giòn hơn.

Con nuốc được chia làm hai phần gồm tai và chân. Phần tai thường ăn cùng các loại rau sống chấm với ruốc hoặc làm gỏi. Còn phần chân ruốc giòn giòn, sần sật chính là nguyên liệu làm nên món bún giấm nuốc nổi tiếng xứ Huế.

Nuốc tai thường trộn với rau má, chuối chát (chuối hột), trái vả, hay thân chuối thái mỏng, ăn kèm với rau húng hoặc các loại rau thơm khác tùy theo khẩu vị của từng người. Nuốc tai ăn kiểu này phải có nước chấm ngon. Nước chấm thường làm từ nước mắm nhĩ, pha thêm ớt, tỏi, tiêu, gừng. Cũng có thể chấm nuốc với mắm ruốc. Mắm ruốc ăn với nuốc tùy theo độ ăn cay của bạn mà cho thêm tỏi, ớt, chanh hay thêm tí bột ngọt.

Con nuốc tươi chấm mắm ruốc - chủ bếp Pham Huyen

Món bún giấm nuốc sẽ sử dụng phần nuốc chân, được ngâm trong nước lạnh và lá ổi để tạo độ giòn. Lúc gần ăn thì vớt ra để ráo, vắt càng ráo con nuốc càng giòn. Linh hồn của món bún giấm nuốc là nước lèo. Tôm được bóc vỏ, để lại gạch tôm, ướp với hành, tiêu, mắm, muối rồi om với dầu ăn riu riu lửa cho thấm, khoảng ít phút, chêm thêm nước xăm xắp, thêm ruốc cho thấm rồi cho cà chua vào tạo vị chua tự nhiên, đợi sôi rồi tắt bếp. Rau sống ăn kèm gồm một vài loại rau thơm và đặc biệt phải có bắp chuối sứ bào nhuyễn. Ngoài ra, còn phải có thêm đậu phộng, bánh tráng mè nước, mắm ruốc, ớt xanh... để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn. (Nguồn)

Món Bún Giấm Nuốc nổi tiếng xứ Huế - Pham Huyen

Mùa hè được ăn món nuốc Huế, Quảng Trị vừa mát vừa giòn vừa cay cay, thơm thơm, quả thật là thú vị. Bạn nào có dịp ghé đến Huế, Quảng Trị vào mùa hè, nhớ bắng mọi cách thưởng thức cho được món nuốt nhé. Chắc chắn sẽ ngon lại tốt cho sức khỏe nữa.

(*) Người Huế đọc và viết là Nuốc (phụ âm cuối là c) trong khi ở một số vùng khác viết là Nuốt.

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn phân biệt được con nuốc và sứa- hai nguyên liệu sáng giá cho mùa hè nóng nực đang tới dần.

📌 Cookpad đang diễn ra lễ hội bếp 🐠🦀 Hương Vị Của Biển 🌊 có sự góp mặt của hai nguyên liệu này. Tham gia ngay tại: https://cookpad.com/vn/challenges/10488